Thị trường

Bộ GTVT phấn đấu giải ngân đạt 50.000 tỷ đồng trong năm 2022

Tại buổi tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân đạt 50.000 tỷ đồng, tương đương 95% kế hoạch.

Theo Bộ GTVT, năm 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, Bộ GTVT đã hoàn thiện thể chế, quy hoạch, chính sách pháp luật kịp thời; ban hành bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của ngành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành GTVT quốc gia.

Theo đó, Bộ GTVT là một trong những bộ, ngành đầu tiên trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải, làm cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng có nhiều chuyển biến, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí.

Đến cuối năm 2021, Bộ GTVT đã hoàn thành thủ tục và khởi công 18 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 14 dự án. Các công trình dự án cơ bản hoàn thành đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư. Đáng chú ý, đến hết tháng 1-2022 (thời hạn giải ngân kế hoạch năm), tỉ lệ giải ngân đạt khoảng 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với đó, năm 2021, Bộ GTVT thực hiện hiệu quả việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; hoàn thành 21 nhiệm vụ/chỉ tiêu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng Chính phủ điện tử, hoàn thành kết nối các phần mềm quản lý văn bản để gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp; 100% cán bộ sử dụng chữ ký số cá nhân để xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng; cung cấp 296 dịch vụ công trực tuyến, xếp thứ 9/18 Bộ, ngành về chỉ số chuyển đổi số và xếp hạng A về chỉ số an toàn thông tin mạng.

Bên cạnh sự sụt giảm về sản lượng, lưu lượng vẫn chuyển của các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường hàng không thì lĩnh vực Hàng hải đạt mức tăng trưởng hiếm có. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam vận tải tăng mạnh trong đại dịch, với mức tăng tới 54% (khoảng gần 5 triệu tấn) so với cùng kỳ.

Tại hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục của ngành GTVT trong năm 2021, như: Chất lượng một số văn bản chuyên ngành GTVT chưa được ổn định lâu dài trong thực tiễn; Còn nhiều dự án, có quy mô không lớn, nhưng là các điểm nghẽn trong lĩnh vực giao thông, được các địa phương, cử tri đã có nhiều kiến nghị nhưng chưa được giải quyết triệt để; tiến độ triển khai thi công một số dự án còn chậm so với kế hoạch yêu cầu; Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ở các dự án trọng điểm chưa xử lý dứt điểm; các hạng mục xây dựng khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật triển khai còn chậm; Công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là kết cấu hạ tầng đường bộ đôi lúc còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ…

Phó thủ tướng Lê Văn Thành  cho biết, cơ bản thống nhất với báo cáo tổng kết của ngành GTVT. Đồng thời, khẳng định, trong năm 2021, ngành GTVT đã có nhiều nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo để vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây chính là tiền đề quan trọng để ngành tiếp tục thực hiện trong những giai đoạn tiếp theo.

Cùng với đó, Phó thủ tướng yêu cầu các đơn vị thuộc ngành GTVT nêu cao tinh thần, vai trò của người đứng đầu trong việc đôn đốc chịu trách nhiệm, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Giao nhiệm vụ cho ngành GTVT trong năm 2022 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu ngành GTVT cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế trong lĩnh vực GTVT; tham vấn ý kiến rộng rãi của người dân, tổ chức và xã hội trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính minh bạch, nhất quán, ổn định và dự đoán được của pháp luật. Tiếp tục duy trì hoạt động vận tải ổn định, thông suốt, kịp thời, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid -19. Bảo đảm khối lượng hàng hóa tăng 6%, hành khách tăng 7% so với năm 2021; khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 đạt 750 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với năm 2021; phấn đấu giải ngân đạt 50.000 tỷ đồng, tương đương 95% kế hoạch…