Kinh tế tăng tốc nhưng không chủ quan

Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, tăng trưởng toàn cầu có dấu hiệu chững lại, việc Chính phủ Việt Nam duy trì mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên trong năm 2025 là một cam kết táo bạo. Thực tế, nửa đầu năm 2025, nền kinh tế đã tăng trưởng 7,52%, riêng quý II ước đạt 7,96%. Kết quả này đã củng cố niềm tin của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế Việt Nam, đồng thời tạo thế và lực mới để tăng tốc trong những tháng cuối năm, hướng tới việc hoàn thành và vượt mục tiêu đã đề ra.

Vượt sóng toàn cầu, tăng tốc bền vững

Trong khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang gồng mình ứng phó với lạm phát kéo dài, lãi suất cao và bất ổn địa chính trị thì Việt Nam lại cho thấy một gam màu sáng đầy triển vọng. Số liệu của Cục Thống kê, Bộ Tài chính công bố ngày 5-7 cho thấy, khả năng chống chịu và thích ứng linh hoạt của nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, GDP quý II-2025 tăng 7,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II-2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, GDP tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2025 cũng cho thấy sức sống mạnh mẽ từ nhiều động lực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,1%.

Đáng chú ý, con số doanh nghiệp thành lập mới cho thấy niềm tin kinh doanh tăng lên khi hàng loạt chính sách, thể chế khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển. 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có gần 91.200 doanh nghiệp thành lập mới; khoảng 61.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo các chuyên gia kinh tế, trước hết điều này phản ánh sự hứng khởi của cộng đồng kinh doanh khi Đảng ban hành các nghị quyết mới đề cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân, Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, nhất là trong những lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Ngoài ra, một bộ phận cá nhân và hộ kinh doanh trước các đòi hỏi về minh bạch tài chính, kế toán, thuế đã thấy rằng chuyển lên thành doanh nghiệp sẽ có lợi hơn.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: T.N

Một điểm nhấn khác trong bức tranh nửa đầu năm là sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tính đến ngày 30-6 đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2024. Vốn FDI giải ngân đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024-mức cao nhất của 6 tháng trong 5 năm qua, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường chính sách ổn định, minh bạch và hấp dẫn của Việt Nam.

Trong lĩnh vực thương mại, xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD (tăng 14,4%), nhập khẩu đạt 212,2 tỷ USD (tăng 17,9%), đưa cán cân thương mại nửa đầu năm tiếp tục xuất siêu với con số 7,63 tỷ USD-củng cố dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)-thước đo quan trọng cho lạm phát được kiểm soát tốt: CPI bình quân 6 tháng tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 3,16%. Mức này cho thấy dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn và niềm tin của thị trường vào điều hành vĩ mô được duy trì.

 Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí. (Ảnh: A.S)

Mức tăng trưởng GDP trong 6 tháng đạt 7,52% đã xấp xỉ mục tiêu kịch bản tăng trưởng cập nhật. Điều này không chỉ là thành tích ấn tượng mà còn là sự khẳng định niềm tin vào con đường phát triển ổn định, bền vững và bao trùm mà Việt Nam đang theo đuổi.

Để huy động và khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, chỉ một thời gian ngắn, cả hệ thống chính trị đã tập trung hoàn thành khối lượng công việc rất lớn để triển khai thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật liên quan, quy định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; triển khai các nghị quyết lớn của Trung ương về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phát triển kinh tế tư nhân...

Tăng tốc giải ngân, linh hoạt thị trường

Dù đã đi được nửa chặng đường với thành tích đáng khích lệ, nửa cuối năm 2025, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% vẫn còn không ít thách thức. Để hoàn thành mục tiêu này, 6 tháng cuối năm, GDP cần tăng 8,42%-một áp lực lớn với nền kinh tế, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động không nhỏ từ xu hướng bảo hộ thương mại, căng thẳng địa chính trị, rủi ro từ giá cả hàng hóa, chi phí vốn và biến động tỷ giá. Việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy vốn đầu tư công, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, đồng thời khơi thông đầu tư tư nhân sẽ tiếp tục là trọng tâm điều hành.

Riêng về hoạt động xuất khẩu, các ngành sản xuất phục vụ nhu cầu xuất khẩu như: Điện tử, dệt, may, da giày Việt Nam vẫn đang có lợi thế tương đối do đã đạt được thỏa thuận khung với Mỹ về thuế xuất khẩu thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Đây là tín hiệu tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, cùng với những diễn biến khó lường về tình hình xung đột tại khu vực Trung Đông.


Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: A.S)

Để đồng hành với các doanh nghiệp tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng công tác thông tin thị trường nhằm kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Cùng với đó, có giải pháp bảo đảm minh bạch chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; khai thác hiệu quả, tận dụng lợi thế của các FTA để gia tăng xuất khẩu...

Đề cập giải pháp thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, thúc đẩy giải ngân và hiệu quả đầu tư công là động lực quan trọng nhất, cần tiếp tục được ưu tiên hàng đầu. Do đó, phải quyết liệt tháo gỡ mọi nút thắt về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của đất nước. Bảo đảm giải ngân tối đa hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công mà Thủ tướng đã yêu cầu.

Mục tiêu năm 2025 nước ta phấn đấu đạt tăng trưởng 8% trở lên, tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo không chỉ là khát vọng chiến lược mà còn là thước đo phản ánh tầm nhìn, quyết tâm, năng lực điều hành kinh tế vĩ mô của đất nước. Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương, khó khăn và thách thức lớn đối với Việt Nam đó là vừa tăng trưởng nhanh nhưng vừa phải bảo đảm bền vững, đây là cơ hội để chúng ta thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục giải quyết các vấn đề về thể chế, nguồn lực, năng suất lao động, khoa học-công nghệ và năng lực nội tại của doanh nghiệp. Đồng thời, bối cảnh toàn cầu đang có nhiều biến động với các yếu tố như căng thẳng địa chính trị, chính sách các nước lớn thay đổi, vấn đề chuyển đổi số, chuyển dịch chuỗi cung ứng và yêu cầu phát triển xanh-bền vững... cũng đòi hỏi Việt Nam phải có các chiến lược phát triển linh hoạt, hiệu quả và đột phá.

Vũ Dung

Theo Quân Đội Nhân Dân