Cụm kính viễn vọng vô tuyến ALMA tại sa mạc Atacama tạm dừng hoạt động sau khi một trận tuyết hiếm hoi phủ trắng cơ sở vào tuần trước.
Theo Live Science, tuyết rơi hiếm gặp tại nơi khô cằn nhất trên Trái Đất làm gián đoạn hoạt động của một trong những cụm kính viễn vọng hàng đầu thế giới và biến đổi khí hậu có thể khiến đài quan sát này phải đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn trong tương lai.

Tuyết phủ trắng một phần sa mạc Atacama, nơi nhận được chưa đến 2,5 cm mưa mỗi năm và là nơi đặt cụm kính viễn vọng lớn Atacama Large Millimeter/submillimeter Array (ALMA) tại miền bắc Chile. Tuyết rơi tại Cơ sở hỗ trợ hoạt động của ALMA, nằm ở độ cao 2.900 m và cách Santiago khoảng 1.700 km về phía bắc. Các hoạt động khoa học bị đình chỉ từ hôm 26/6.
Cụm kính viễn vọng vô tuyến của ALMA nằm trên cao nguyên Chajnantor, vùng sa mạc ở độ cao 5.104 m tại khu vực Antofagasta của Chile, thường có tuyết rơi 3 lần/năm. Theo Raúl Cordero, nhà khí hậu học tại Đại học Santiago, cao nguyên nằm ở 3 nước Chile, Bolivia và Peru này thường trải qua bão tuyết trong hai mùa là tháng 2 do khối không khí ẩm từ Amazon gây ra và từ tháng 6 đến tháng 7 vào mùa đông của Nam bán cầu.
"Vào mùa đông, một số cơn bão được tăng cường độ ẩm từ Thái Bình Dương, có thể mở rộng lượng mưa thậm chí đến các khu vực ven biển của sa mạc Atacama", Cordero cho biết. "Ở độ cao trên 5.000 m, lượng tuyết rơi hàng năm dao động từ 20 đến 80 cm. Tuy nhiên, tuyết rơi ở độ cao 3.000 m, nơi đặt cơ sở của ALMA, rất hiếm".
Trận tuyết mới nhất được thúc đẩy bởi tình trạng bất ổn khí quyển khác thường ảnh hưởng đến miền bắc Chile. Cục Khí tượng Chile phát cảnh báo về tuyết và gió do chuyển động của một "lõi lạnh" qua khu vực, theo nhà khí tượng học Elio Brufort. Hiện tượng này đi kèm với mưa lớn xảy ra xa hơn về phía bắc, gây lũ lụt và làm hư hại nhiều tài sản. Các trường học được lệnh đóng cửa và có nhiều báo cáo về mất điện và lở đất. Đây là sự kiện thời tiết chưa từng thấy trong gần một thập kỷ qua.
Tính đến ngày 27/6, bão tuyết vẫn hoạt động trên cao nguyên Chajnantor, do đó các hoạt động khoa học của ALMA tiếp tục bị đình chỉ để bảo vệ ăngten khỏi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trước đó, vào sáng ngày 26/6, đài quan sát đã kích hoạt giao thức an toàn mang tên "chế độ sinh tồn". Ngoài tuyết rơi, nhiệt độ trong vùng giảm xuống -12 độ C, khiến công việc tại cơ sở trở nên vô cùng khó khăn.
Theo giao thức, tất cả ăngten lớn của ALMA được điều chỉnh xuôi theo hướng gió, giúp giảm thiệt hại tiềm năng từ tuyết tích tụ hoặc gió mạnh. Khi bão qua đi, đội dọn tuyết sẽ lập tức kiểm tra từng ăngten trước khi tiếp tục quan sát.
ALMA, bao gồm 66 ăngten độ chính xác cao trải rộng trên cao nguyên Chajnantor, là dự án hợp tác quốc tế tạo thành kính viễn vọng vô tuyến mạnh nhất hành tinh, được thiết kế để xử lý sự kiện thời tiết cực đoan kiểu này. Trận tuyết rơi làm gián đoạn hoạt động dấy lên câu hỏi về hoạt động của cụm kính viễn vọng khi khí hậu ấm lên.
Sa mạc Atacama thường chỉ nhận được 1-15 mm lượng mưa mỗi năm. Nhiều khu vực tại đây không ghi nhận bất kỳ lượng mưa hoặc tuyết nào suốt hàng năm trời. Theo Cordero, dù còn quá sớm để kết luận tuyết rơi ở độ cao thấp trên sa mạc có liên hệ trực tiếp với biến đổi khí hậu, mô hình khí hậu dự đoán khả năng gia tăng lượng mưa ở khu vực siêu khô hạn này.
An Khang (Theo Live Science)