Bà là một trong những nữ tình báo tài sắc vẹn toàn, năm 70 tuổi vẫn được một vị bác sĩ giàu có cầu hôn.
Người được nhắc đến chính là nữ tình báo Lâm Thị Phết.
Ảnh chân dung của bà Lâm Thị Phết được chỉnh màu mới. (Ảnh: Tư liệu gia đình)
Bà Lâm Thị Phết (1923-2014), là con của đại điền chủ nổi tiếng, đồng thời từng là hiệu trường Taberd Cần Thơ (trường Châu Văn Liêm TP Cần Thơ hiện nay). Bà Phết có người chị gái - Lâm Thị Phấn, cả hai sở hữu vẻ đẹp hiếm có, cùng tham gia hoạt động tình báo, có nhiều đóng góp qua 2 thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Pháp - Mỹ.
Nếu như bà Lâm Thị Phấn được gả về nhà bá hộ thuộc họ hàng dòng tộc Công tử Bạc Liêu thì bà Phết cưới con trai đại điền chủ Chắc Băng, tỉnh Rạch Giá (nay là huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang).
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, con gái bà Lâm Thị Phết từng kể: "Cha tôi là Nguyễn Hữu Quý, con trai ông Nguyễn Hữu Phú - đại điền chủ Bang Biện Phú. Ông nội tôi khai phá vùng đất ven kênh xáng Chắc Băng, sở hữu ruộng đất bạt ngàn. Sự giàu có của Bang Biện Phú đâu đâu cũng biết".
Thuở đó, trong một lần đến Cần Thơ, ông Quý chạm mặt và yêu bà Phết ngay cái nhìn đầu tiên. Ông si mê bà đến mức không chịu về Chắc Băng, ở lại nhà người cô ruột, cách nhà ông giáo Phận vài trăm mét. Ông quyết “ăn dầm nằm dề” ở đây cho đến khi cưới được bà Phết. Cha mẹ ông Quý biết chuyện, phải cậy người mai mối, thuyết phục được bà nội bà Phết đồng ý gả cháu gái.
Từ năm 1945, bà Phết công tác trong Ban chấp hành Phụ nữ xã Vĩnh Thuận, Chắc Băng, tỉnh Rạch Giá, còn ông Quý thoát ly tham gia cách mạng. Năm 1948, vợ chồng bà hiến 2.000 giạ lúa cho kháng chiến. Sau đó, ông bà rời quê nhà, bỏ hàng ngàn mẫu ruộng để hoạt động cách mạng.
Hai chị em bà Lâm Thị Phết (trái) và Lâm Thị Phấn (phải). (Ảnh: Tư liệu gia đình)
Bà Phết về nội thành Cần Thơ hoạt động tình báo dưới sự chỉ huy của chi tình báo đặc biệt thuộc Ban Quân báo Khu 9. Bà có nhiệm vụ tiếp xúc với các sĩ quan Pháp, làm phiên dịch để khai thác tin tức. Bà cũng trực tiếp phát hiện, đào tạo nhiều nhân tố tốt cho lực lượng quân báo, cơ sở điệp báo trong hàng ngũ địch.
Đến năm 1950, bà được điều động, chuyển lên Sài Gòn làm liên lạc, hộp thư mật cho Ban Quân báo Khu 9.
Năm 1952, ông Quý bị địch bắt và giam ở Chí Hòa. Ông kiên trung, không tiết lộ thông tin của đội ngũ cách mạng. Vì vậy ông bị địch tra tấn, mất liên lạc với vợ con. Từ đó, bà Phết trông ngóng từng ngày, mong đất nước hòa bình để đoàn tụ với chồng.
Trong thời gian chờ ông Quý, bà Phết tạm ngừng hoạt động, tránh bị địch phát hiện. Đến năm 1963, bà trở lại Sài Gòn, hoạt động điệp báo. Giai đoạn này, bà Phết hoạt động rất sôi nổi, đóng góp nhiều cho quá trình thống nhất đất nước.
Tháng 4/1966, nhận được tin chồng hy sinh, lòng bà đau đáu nhớ về lần cuối cùng nhìn thấy ông sau song sắt nhà giam ở Sài Gòn. Có lẽ chính ký ức ấy đã khiến bà lựa chọn gắn bó với mảnh đất chất chứa nhiều kỷ niệm này, sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất.
Mấy ai ngờ, năm 70 tuổi, bà vẫn được một vị bác sĩ giàu có cầu hôn. Nếu bà đồng ý thì người này sẽ tặng ngay căn biệt thự trên đường Tú Xương, quận 3, TP.HCM. Đáp lại, bà chỉ cười, rồi nhẹ nhàng từ chối.
Bà Phết chọn sống cùng con cháu ở cư xá Lữ Gia, quận 11 đến những ngày cuối đời. Hiện tại, mộ phần bà được an táng tại quê nhà Cần Thơ.
Thiên Bình
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nu-tinh-bao-huyen-thoai-xu-tay-do-70-tuoi-van-duoc-bac-si-cau-hon-ar943073.html