Thị trường

Giá vàng liên tục tăng, nhà đầu tư nên mua vào hay bán ra?

Giá vàng trong nước đã trải qua 4 phiên tăng liên tiếp, kéo giá vàng miếng SJC lên 121,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), theo niêm yết của nhiều thương hiệu lớn như SJC, DOJI, PNJ…

Giá vàng liên tục tăng khiến nhà đầu tư băn khoăn nên mua vào hay bán ra. 

Giá vàng trong nước trải qua 4 phiên tăng giá liên tiếp, đưa giá vàng miếng lên mức 121,5 triệu đồng/lượng, khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn nên mua vào hay bán ra?

Lúc 6h ngày 13/7, giá vàng miếng tại Doji và SJC cùng niêm yết ở mức 119,5-121,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 600.000 đồng/lượng so với 1 tuần trước (ngày 7/7). Trong khi đó, giá vàng nhẫn 116-119 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều so với 1 tuần trước. Đây cũng là phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp.

Nhận định về diễn biến giá vàng, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, thời gian tới giá vàng sẽ có thể tiếp tục tăng.

"Giá vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng và chinh phục ở đỉnh cao mới, có thể ở mốc 3.600 – 3.700 USD/ounce, kéo theo giá vàng trong nước có thể vượt mốc 130 triệu đồng/lượng", ông Huy nhận định.

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Huy, 4 nguyên nhân khiến giá vàng thời gian tới tăng mạnh. Thứ nhất, thị trường đang đặt cược cao vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vào tháng 9, tạo áp lực giảm lên đồng USD và lợi suất trái phiếu. Điều này khiến vàng – tài sản phi lợi suất trở nên cực kỳ hấp dẫn.

Thứ hai, căng thẳng địa chính trị toàn cầu, trong đó có chiến sự Nga – Ukraine, xung đột Israel – Iran, những bất ổn tiềm ẩn ở Đông Á... đang kích hoạt nhu cầu trú ẩn an toàn vào vàng.

Thứ ba, ngân hàng trung ương các nước tiếp tục mua vào vàng. Trong đó Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua ròng vàng hàng tháng như cách để giảm phụ thuộc vào đồng USD và gia tăng dự trữ chiến lược.

Thứ tư, tâm lý phòng thủ và chuyển dịch tài sản khi bất ổn tăng, tâm lý đầu tư vào vàng như một tài sản phòng thủ đang quay trở lại mạnh mẽ, thay thế cho tiền kỹ thuật số, cổ phiếu hay bất động sản.

Ông Huy cũng cho biết, trước tình trạng giá vàng trong nước cách biệt quá xa với thế giới, Chính phủ đang nghiên cứu khả năng cho phép thành lập sàn vàng nhằm tăng tính minh bạch, cạnh tranh và kéo giá vàng Việt Nam tiệm cận với giá thế giới.

“Đây sẽ là bước ngoặt lớn giúp điều tiết thị trường hiệu quả, giảm đầu cơ và bảo vệ nhà đầu tư chân chính”, ông Huy nhận định.

Nên mua vào hay bán ra?

Đưa ra lời khuyên về việc nên mua hay bán vàng vào thời điểm này, chuyên gia Trần Duy Phương nói nếu người mua vàng trước kia với mục đích tích trữ tài sản thì không cần quá lo lắng để bán tháo vàng trong thời điểm này. Theo thời gian, giá vàng sẽ tăng.

Còn với những người mua vàng đầu tư thì vùng giá hiện tại tuy không quá cao nhưng vẫn là lý tưởng để bán vàng thu lời.

“Để xác định được thời điểm bán vàng, nhà đầu tư cần lên kế hoạch về mức kỳ vọng lợi nhuận của mình và nên hài lòng với mức lợi nhuận theo kế hoạch chứ không nên tiếc nuối vì cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng.

Ví dụ, chúng ta mua vàng ở mức 100 triệu đồng/lượng và đặt mục tiêu lãi 10 triệu đồng mỗi lượng. Vậy, khi giá vàng lên mức 110 triệu đồng hoặc 118 triệu đồng/lượng như hiện nay, mục tiêu lợi nhuận đã được đảm bảo, thậm chí còn vượt thì nhà đầu tư nên bán để chốt lời. Không nên nghĩ rằng giá vàng sẽ tăng mà tiếc không bán, như vậy rất rủi ro trong bối cảnh đầy biến động”, ông Phương phân tích.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, người đầu tư vàng cần cẩn trọng, tìm hiểu thật kỹ thị trường để có thể đảm bảo mua vàng khi giá ở mức thấp nhất có thể và bán ra khi giá ở mức cao nhất hoặc đạt kỳ vọng lãi suất của mình.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thời gian qua, vàng đem lại lợi nhuận cao nhất trong các kênh đầu tư, tính đến tại thời điểm này.

Đầu tư vào vàng là kênh kiếm lời nhiều trong thời gian qua, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro rất lớn cho thị trường vàng. Do vậy, việc đầu tư vào vàng trong thời gian ngắn để mua đi bán lại kiếm lời cân hết sức thận trọng.

Nếu mua vàng thì nên mua để đầu tư dài hạn, còn nếu đầu tư ngắn hạn, lướt sóng thì không nên. Nhất là tại thời điểm này, nhà đầu tư không nên vay tiền để đầu tư vàng vì nó vừa tiềm ẩn rủi ro, vừa tạo ra gánh nặng nợ nần rất lớn”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi cũng không nên tập trung hết vào vàng mà nên phân bổ ra nhiều kênh khác nhau như chứng khoán, bất động sản, tiền gửi ngân hàng.

Ngược lại, với những người có vàng tích trữ, muốn bán đi để chốt lời thì có thể tính toán xem mức lợi nhuận hiện tại đã phù hợp với mục tiêu mình đề ra hay chưa.

“Nếu đầu tư vàng để kiếm lời, cần phải đặt mục tiêu mỗi năm lãi bao nhiêu phần trăm. Như vậy, mình có thể tính toán được mức giá vàng muốn bán ra, khi đã đạt mục tiêu lợi nhuận thì có thể bán chốt lời”, ông Hiếu tư vấn.