Đời sống

Cặp vợ chồng già U70 sớm chia nhà 20 tỷ cho con

Ở tuổi "thất thập cổ lai hy", vợ chồng tôi quyết định sớm chia tài sản cho các con, thay vì giữ "khư khư đến lúc nhắm mắt xuôi tay".

Tôi năm nay gần 70 tuổi, chồng tôi đã hơn 70 tuổi, chúng tôi đều bị tiểu đường, bệnh tật quấn người. Hai vợ chồng cùng là công chức, giáo viên về hưu, nhờ chịu khó và quen biết đầu tư đúng lúc nên đã tích lũy, xây dựng được một ngôi nhà liền kế khang trang trong khu đô thị phía Tây Hà Nội, được định giá 20 tỷ đồng.

Tôi có hai con, một trai một gái, các con đều đã khôn lớn, trưởng thành, ngoan ngoãn. Con gái tôi giỏi giang, thông minh nên cũng thành đạt và có thu nhập tốt. Con trai tôi thì không được như chị và chỉ làm nhân viên văn phòng nên tạm đủ sống ở mức trung bình và nuôi gia đình nhỏ của con. Gia đình con trai đang sinh sống với chúng tôi, còn con gái sống tại chung cư gần đó để tiện qua lại.

Hai con tôi đều có hiếu và biết việc bố mẹ chỉ là công chức, giáo viên bình thường nên tổng lương hưu không đảm bảo ăn uống và chăm sóc sức khỏe. Vì thế, hai con đều muốn đưa thêm chút tiền để giúp chúng tôi có cuộc sống dễ thở hơn. Tuy nhiên, số tiền đó cũng không đảm bảo cho chúng tôi có thể đi du lịch và trải nghiệm cuộc sống tương xứng.

Việc nhận tiền của con còn khiến tôi thấy áy náy vì các con đều đang nỗ lực trong cuộc sống và nuôi dạy các cháu. Thế nên, nếu các con phải chắt bóp đến để dành tiền cho bố mẹ tiêu xài trong khi bản thân chúng tôi cũng có tài sản, sẽ dẫn đến áp lực cho các con, cũng khiến chúng có tâm lý so sánh giữa bố mẹ bên nội và bên ngoại, và có khi dẫn đến tâm lý né tránh bố mẹ hoặc mong bố mẹ không mạnh khỏe để ngừng tiêu tiền. Rồi chuyện con đưa nhiều, con đưa ít cũng sẽ làm các con có sự e ngại, so sánh. Người lớn tuổi, quản lý tài sản lớn cũng đối mặt với rủi ro bị lừa đảo đầu tư, vay mượn không trả...

Với suy nghĩ "chết cũng không mang tài sản đi được", hai vợ chồng tôi có ý định bán ngôi nhà đang ở, chia đều làm bốn phần cho mỗi người một phần (5 tỷ đồng). Vì cũng nhờ các con ngoan ngoãn, chúng tôi mới tích lũy được tài sản như hiện giờ. Hơn nữa, trong giai đoạn các cháu còn nhỏ, sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ rất có ý nghĩa với các con. Sau này, nếu chúng tôi có ai ra đi trước, thì phần còn lại của người đó sẽ chuyển cho người còn sống quản lý. Sau khi bố mẹ ra đi, phần tài sản còn lại sẽ chia đều cho hai con và các cháu coi như là lưu niệm.

Tuy nhiên, con gái đầu của tôi không muốn bố mẹ phải xa rời nơi ở thân thuộc suốt 20 năm qua, vì thế, dựa trên khả năng và thu nhập của mình, vợ chồng con mong muốn mua lại phần sở hữu của tôi và chồng (10 tỷ đồng), trả dần 400 triệu đồng theo từng năm, trong 25 năm. Sau thời hạn trên, mọi việc cuộc sống sinh hoạt sẽ do con cháu sắp xếp.

Với em trai, con gái tôi luôn ưu tiên em được quyền mua lại phần sở hữu căn nhà nếu muốn. Còn nếu không đủ tiền, em vẫn có thể sinh sống tại ngôi nhà đó. Đến khi bố mẹ trăm tuổi, em vẫn có thể nhận một phần tư giá trị của ngôi nhà. Trường hợp con gái tôi không đủ khả năng chi trả nữa thì lúc đó có thể bán căn nhà và chia cho các thành viên gia đình theo tỷ lệ sở hữu. Sau khi thống nhất thoải mái trong gia đình, chúng tôi gọi luật sư làm hợp đồng với các điều khoản rõ ràng và ký công chứng.

Từ đó đến nay qua ba năm, với số tiền con gái chuyển đều hàng năm, hai vợ chồng tôi có thể chăm sóc y tế tốt hơn, đi du lịch nhiều hơn, chất lượng các chuyến đi cũng cao lên. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng có thể hỗ trợ con trai, cho các cháu nội, cháu ngoại học thêm năng khiếu mà không cảm thấy có lỗi hay áp lực vì tiêu tiền không phải của mình, hay phải nhìn sắc mặt con rể khi tiêu tiền. Vợ chồng tôi cũng tổ chức được những hoạt động của đại gia đình, những chuyến du lịch cùng các con, cháu một cách phù hợp mà không cảm thấy áy náy với các bên thông gia. Không khí gia đình ngày càng hòa thuận, vui vẻ.

Tôi thấy có nhiều gia đình sống trong căn nhà lớn mà không khí căng thẳng, hằm hè. Bố mẹ già có tài sản mà vẫn sống khổ sở, trông đợi vào sự quan tâm của các con, dễ trở nên đòi hỏi và thất vọng. Chưa kể, sau khi bố mẹ ra đi, để lại khối tài sản lớn, có thể dẫn đến con cháu tranh giành về chuyện của nhiều, công nhiều. Thế nên, nếu còn khỏe mạnh, minh mẫn thì mỗi người nên học cách chấp nhận và buông tay. Sắp xếp, điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với điều kiện, bối cảnh gia đình. Các con cũng có thể căn cứ vào điều kiện gia đình để thấu hiểu, thông cảm và hỗ trợ bố mẹ phù hợp, vừa sức.

Câu chuyện của gia đình tôi không điển hình, nhưng cũng xin chia sẻ với quý độc giả của LDG để những người lớn tuổi có thêm một gợi ý để lựa chọn.