Kinh tế - Tài chính

Căng thẳng thuế quan không cản được người Mỹ "săn" khuyến mãi

Chi tiêu trực tuyến tại Mỹ tăng vọt lên mức 24,1 tỷ USD từ ngày 8 đến 11/7 – thời điểm được ví như “Black Friday mùa Hè” – khi các nhà bán lẻ lớn đồng loạt triển khai loạt chương trình khuyến mãi sâu.

Theo báo cáo do công ty nghiên cứu dữ liệu Adobe Analytics vừa công bố, doanh số bán lẻ trực tuyến trong đợt này đã tăng 30,3%, vượt xa so với dự báo ban đầu là 28,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng mạnh từ mức giá trị 14,2 tỷ USD, tăng 11% so với 2023.

Adobe cho biết, sự kiện Prime Day của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt xu hướng mua sắm trực tuyến tại Mỹ trong đợt này, đặc biệt khi người tiêu dùng tranh thủ các ưu đãi để sắm sửa đồ dùng học tập trước năm học mới. Năm nay, Amazon đã mở rộng thời gian sự kiện lên 96 giờ, gấp đôi thời lượng thông thường, với hàng loạt ưu đãi từ thời trang đến điện tử.

Không chỉ Amazon, nhiều “ông lớn” bán lẻ khác như Walmart, Target và Best Buy cũng tung ra các đợt giảm giá mạnh, khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu cho những mặt hàng đắt tiền vốn thường bị trì hoãn trong điều kiện kinh tế thắt chặt.

Đợt mua sắm này diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ đang phải chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại leo thang, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục đẩy mạnh các chính sách thuế quan, đồng thời lùi thời điểm áp thuế mới từ ngày 9/7 sang ngày 1/8 để tạo thêm thời gian đàm phán cho các đối tác thương mại.

Adobe cũng ghi nhận một xu hướng đáng chú ý, thiết bị di động lần đầu vượt qua máy tính để trở thành kênh giao dịch chính, chiếm tới 53,2% tổng doanh số bán lẻ trực tuyến – vượt nhẹ mức dự báo 52,5%.

Theo Adobe, mức giảm giá trung bình trên toàn thị trường Mỹ trong đợt này dao động từ 11% đến 24%, nhỉnh hơn dự báo trước đó. Ngành thời trang chứng kiến mức ưu đãi sâu nhất, giá hàng hóa trung bình giảm  24% – cao hơn mức 20% của năm ngoái. Ngành điện tử ghi nhận mức giảm giá trung bình 23%, tương đương với cùng kỳ năm 2024. 

Diệu Linh/TTXVN