Để có thể chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, hạ tầng hệ thống trạm sạc và công suất lưới điện cần được quy hoạch và đảm bảo đủ thì mới đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.
Với việc Hà Nội sẽ phải cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ ngày 1.7.2026, nhiều người dân dù ủng hộ chủ trương nhưng vẫn có chút phân vân lo lắng khi hạ tầng phục vụ việc sạc xe điện ở thời điểm hiện tại chưa đáp ứng kịp, đặc biệt là các chung cư cũ.
Khu vực bố trí sạc dành cho xe máy điện tại một chung cư ở Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+
Trạm sạc ít, nguồn điện khó đáp ứng
Đi chiếc xe máy điện được hơn một năm nay, anh Phạm Nhật Quân sống tại tòa nhà CT20D, khu đô thị Việt Hưng vẫn để xe tại một khu vực được bố trí riêng để sạc. Số lượng xe điện tại tòa nhà cũng chỉ độ 15 chiếc và chủ xe thay nhau sạc pin. Cũng có lần, anh sạc pin xe điện tại cơ quan làm việc trên phố Trần Hưng Đạo.
Tuy nhiên, với lộ trình cấm xe máy xăng từ đầu tháng Bảy sang năm và chuyển sang xe điện, anh Quân lo rằng tòa chung cư sẽ khó có thể bố trí đủ nguồn sạc cho cư dân sinh sống.
“Hầm để xe cơ quan hay chung cư nơi sinh sống, số lượng ổ cắm sạc cũng chỉ có vài chỗ, được tách biệt hoàn toàn với khu vực xe xăng. Hệ thống điện để sạc ở đây cũng chỉ là lắp đặt bổ sung. Khi nhu cầu sử dụng xe điện tiếp tục tăng và lượng xe phủ kín tòa nhà thì hệ thống lưới điện tại các cơ quan, chung cư sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu sạc của hàng trăm xe,” anh Quân nói.
Thừa nhận quá trình chuyển đổi phương tiện xanh cũng đang đối mặt với một số thách thức, phía Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng hạ tầng trạm sạc còn hạn chế, cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp chưa đồng bộ, chi phí đầu tư phương tiện còn cao.
Cụ thể, chi phí đầu tư ban đầu đối với phương tiện sử dụng điện (bao gồm xe máy, xe buýt, taxi, xe hợp đồng,…) đều cao hơn đáng kể so với xe sử dụng nhiên liệu truyền thống. Các doanh nghiệp còn phải đầu tư bổ sung hệ thống sạc, bãi đỗ chuyên dụng, thiết bị bảo trì phù hợp với công nghệ mới, dẫn đến tổng mức đầu tư tăng mạnh, gây áp lực lớn về tài chính; việc đảm bảo hạ tầng sạc và chi phí thay thế pin sau thời gian sử dụng cũng là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mạnh dạn chuyển đổi.
Mặt khác, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa có quy chuẩn chung về trạm sạc dẫn đến hạn chế trong việc sử dụng trạm sạc dùng chung giữa các nhà sản xuất và các nhà cung ứng xe điện; chưa có quy hoạch chung về mạng lưới điện, hạ tầng trạm sạc và việc thực hiện các dự án xây dựng trạm sạc điện, cần khảo sát tính toán chi tiết công suất nguồn và hạ tầng phù hợp.
Một trụ sạc dành cho xe ôtô điện được bố trí ngay sân của tòa chung cư tại Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+
Ngoài ra, việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng sạc vẫn đang gặp nhiều vướng mắc do chưa có khung pháp lý cụ thể quy định về quản lý, vận hành, giá dịch vụ sạc, cũng như phát triển đồng bộ các điểm sạc trong khu vực đô thị. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng triển khai trên diện rộng đối với cả xe công cộng lẫn xe cá nhân sử dụng điện.
“Việc phát triển hệ thống trạm sạc chưa theo kịp tốc độ chuyển đổi phương tiện, đặc biệt tại các điểm trung chuyển, bến bãi, khu dân cư đông đúc. Một số khu vực nội đô gặp khó khăn trong việc bố trí quỹ đất để xây dựng trạm sạc công cộng hoặc bãi đỗ có tích hợp hạ tầng sạc. Hệ thống cấp điện tại các khu dân cư hiện hữu, đặc biệt là chung cư cũ, không đáp ứng được yêu cầu về công suất nếu bổ sung thêm trạm sạc. Việc nâng cấp cần có lộ trình rõ ràng và quy hoạch đồng bộ,” phía Sở Xây dựng Hà Nội nhìn nhận.
Giải bài toán trạm sạc ra sao?
Ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết với trạm sạc trong tầng hầm chung cư, các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore đều không cấm tuyệt đối, nhưng kèm theo điều kiện rất chặt nếu đáp ứng đủ yêu cầu về an toàn điện, an toàn phòng cháy chữa cháy và không cản trở lối thoát hiểm.
“Xe điện hiện vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, có lẽ vì vậy nên chưa có nhiều quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với trụ sạc, trạm sạc điện, nhất là các trụ sạc, trạm sạc tại khu chung cư. Thông thường, thiết kế lưới điện của các chung cư, tòa nhà chỉ đủ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân sống trong đó. Khi có thêm các trạm sạc phát sinh, có thể gây thêm áp lực lên điện lưới tòa nhà, khiến điện lưới có thể không đáp ứng được, tạo ra các vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy. Điều này dẫn đến những nghi ngại không chỉ cho cư dân tòa nhà, mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển xe điện”, ông Thịnh nói.
Ví von việc “đặt bừa” trạm sạc xe điện giống như đặt một "quả bom" giữa chỗ đông người, ông Thịnh cảnh báo nguy cơ cháy nổ do chập điện hay đoản mạch luôn hiện hữu và một khi pin xe điện bén lửa thì không chỉ đơn thuần là bùng cháy, mà còn sinh nhiệt cực cao, kèm khói độc dày đặc, gây nguy hiểm tính mạng cho cư dân sinh sống trong tòa nhà, chung cư.
Vì vậy, theo ông Thịnh, đối với các chung cư đã đưa vào sử dụng nếu muốn lắp đặt các trạm sạc xe điện trong tầng hầm để xe của công trình thì thuộc diện cần thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy. Các dự án nhà chung cư cao tầng sau này có hạng mục lắp đặt trạm sạc xe điện thì buộc phải đưa vào thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và tiến hành thẩm định, phê duyệt trước khi thi công.
Chung quan điểm, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, trạm sạc không phải muốn đặt đâu cũng được, mà phải thiết kế đúng chỗ, đúng nơi lắp đặt.
“Việt Nam cần nhanh chóng ban hành quy chuẩn, cập nhật tiêu chuẩn quốc gia, ban hành hướng dẫn cụ thể để vừa đảm bảo an toàn, vừa không cản trở tiến trình phát triển hạ tầng sạc. Nếu làm bài bản, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế, xây dựng hệ thống trạm sạc an toàn ngay cả trong tầng hầm, giúp người dân yên tâm hơn khi sử dụng xe điện,” ông Tạo chia sẻ.
Đưa ra giải pháp triển khai nhằm thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông xanh, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển mạng lưới trạm sạc điện tại các khu vực đông dân cư, điểm đầu cuối tuyến vận tải, bến xe, trung tâm thương mại và các trục giao thông chính; khuyến khích xã hội hóa đầu tư trạm sạc, đơn giản hóa quy trình cấp phép xây dựng trạm sạc; xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc điện; tích hợp nội dung phát triển hạ tầng trạm sạc, trạm biến áp vào các quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành điện, quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính liên thông và khả thi trong triển khai…
Nguồn vietnamplus