Sách Hay

Ai cũng có thể rèn luyện để trở thành lãnh đạo

"13 bài giảng của giáo Tiến về quản trị và lãnh đạo" là một lời nhắn nhủ mạnh mẽ: Không ai sinh ra là lãnh đạo, nhưng ai cũng có thể rèn luyện để trở thành một nhà lãnh đạo chân chính.

Nhiều người cảm thấy băn khoăn vì sao chuyên môn của mình ổn, thời gian làm việc và phấn đấu đã lâu, cũng đã có chiến công nhưng chưa thăng tiến được như ý muốn, hoặc chưa thể trở thành lãnh đạo.

Cuốn sách 13 bài giảng của giáo Tiến về quản trị và lãnh đạo của Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học FPT Hoàng Nam Tiến sẽ giải đáp những băn khoăn trên một cách rõ ràng, ngắn gọn và đầy đủ.

Lãnh đạo thực sự là ai

13 bài giảng của giáo Tiến về quản trị và lãnh đạo là các kiến thức về lãnh đạo quản trị doanh nghiệp được tác giả Hoàng Nam Tiến hệ thống hóa lại trong các bài giảng mà ông dạy trong nhiều năm, từ ngày còn là lãnh đạo trẻ của FPT, đào tạo cho cán bộ và quản lý tại các đơn vị khác nhau, cho đến khi làm lãnh đạo các đơn vị lớn của FPT.

Trong cuốn sách, ông Tiến cho rằng tất cả chúng ta đều có chất tiềm ẩn của một lãnh đạo, nhưng không phải ai cũng trở thành lãnh đạo. Điều quan trọng là bạn có hiểu được đầy đủ các năng lực cần có, các yếu tố cần hoàn thiện, các quan hệ cần bồi đắp... rồi bạn phải rèn luyện điều gì để trở thành một nhà lãnh đạo chân chính.

Với tinh thần của một “self-made man” - người tự rèn giũa mình mỗi ngày, cuốn sách được chia thành bốn chương, tương ứng với những chặng đường quan trọng trong quá trình hình thành một nhà lãnh đạo.

Chương 1 - “Huyền thoại nhà lãnh đạo” giúp bạn đọc hình dung chính xác nhất về nhà lãnh đạo thực sự là ai, có phải như những gì xã hội (và gần đây là “cư dân mạng”) hay tung hô bằng những phát ngôn ấn tượng (đôi khi gây sốc), những con số, những cột mốc, những câu chuyện truyền cảm hứng... hay không.

Sách 13 bài giảng của Giáo Tiến về quản trị và lãnh đạo. Ảnh: MC.
Sách 13 bài giảng của Giáo Tiến về quản trị và lãnh đạo. Ảnh: MC.

Theo ông Tiến, trong các yếu tố của con người gồm tố chất, phẩm chất, kiến thức, năng lực, kinh nghiệm thì chỉ có tố chất là bẩm sinh, còn phẩm chất nhờ rèn luyện, kiến thức qua học tập, năng lực từ thử thách và kinh nghiệm cần thời gian.

Khi có một nhận thức rõ ràng về các yếu tố của bản thân, bạn sẽ có một cái nhìn tổng quan về chính mình để từ đó điều chỉnh hướng phát triển. Cũng có thể, sau khi xác định rõ các nhân tố này, bạn sẽ hiểu mình có phù hợp để trở thành một nhà lãnh đạo hay không.

Cùng với các tố chất đánh giá nhà lãnh đạo, tác giả còn chia sẻ các phẩm chất cần có ở một nhà lãnh đạo thành công: không chỉ có tầm nhìn lãnh đạo, trí tuệ và kiến thức, mà còn phải có sự chính trực, kiên định, linh hoạt và khả năng đối mặt với áp lực.

Để trở thành một nhà lãnh đạo chân chính

Trong Chương 2 - “Nhiệm vụ nhà lãnh đạo”, tác giả chỉ ra rõ nhiệm vụ của lãnh đạo là gì. Nhà lãnh đạo không thể làm mọi việc một mình và càng không chỉ làm những việc hàng ngày. Nhiệm vụ chính của họ là xây dựng và triển khai chiến lược, vạch ra con đường tương lai cho tổ chức; tập hợp lực lượng - chọn những người thực hiện các đầu việc kinh doanh, nhân sự, marketing... để đạt đến mục tiêu; xây dựng một chính sách hiệu quả và mở đường cho tổ chức phát triển.

Trong đó, 70-80% thời gian của nhà lãnh đạo dành cho việc xây dựng, triển khai chiến lược, làm việc với con người và xây dựng chính sách. Từ nhiệm vụ của nhà lãnh đạo, ta có nhiệm vụ của nhà quản lý - người thực hiện chiến lược và vận hành doanh nghiệp. Rất nhiều nhà lãnh đạo từng là nhà quản lý, và bản thân nhà lãnh đạo là người quản lý chính công việc của mình, vì vậy, hiểu về nhiệm vụ nhà quản lý là điều quan trọng để bạn có thể xây dựng và dẫn dắt tổ chức của mình.

Chương 3 - “Nhà lãnh đạo hành động” tập trung khám phá công việc thật sự của nhà lãnh đạo - tạo ra sự tăng trưởng và quản trị tổ chức.

Làm sếp không chỉ ngồi hoạch định chiến lược mà cần phải xắn tay áo vào các nhiệm vụ thực tế tạo ra tăng trưởng: bán hàng, chuyển đổi số, xây dựng đội ngũ, kiến tạo các giá trị khác biệt... Trong đó, bán hàng là nhiệm vụ quan trọng nhất của mọi nhà lãnh đạo. Chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là sống còn. Xây dựng lực lượng và đưa cả đội ngũ vào một sứ mệnh, nhiệm vụ chung bằng tư duy và tinh thần chiến tranh nhân dân. Thích ứng với thời đại AI là thử thách cho mọi nhà lãnh đạo và tổ chức.

Chương 4 - “Rèn luyện nhà lãnh đạo” sẽ giúp bạn hiểu một nhà lãnh đạo cần rèn luyện điều gì để liên tục tiến lên trên hành trình của mình.

Trở thành một nhà lãnh đạo không chỉ cần tri thức, tầm nhìn mà đòi hỏi ở bạn một quá trình phát triển bản thân, kỹ năng giao tiếp, phát triển mối quan hệ và tinh thần tự học suốt đời bền bỉ. Những năng lực này không phát triển trong ngày một ngày hai, hay chỉ đơn giản là bạn hoàn thành một khóa học là xong, mà là một bộ kỹ năng sinh tồn đi theo suốt quá trình phát triển, dù bạn có trở thành nhà lãnh đạo hay không.

Cuối sách, tác giả dành một phần nội dung nói về mặt trái tấm huân chương - những áp lực, khó khăn mà một nhà lãnh đạo phải đối diện. “Lãnh đạo cô đơn như một ngọn cờ”, càng lên cao càng đối diện với nhiều thử thách, gặp nhiều vấn đề, càng ít người chia sẻ và càng sợ sai. Làm sao để bớt áp lực và có thêm những mối quan hệ chất lượng, thêm sự thấu hiểu là điều mà ai cũng mong muốn.

13 bài giảng của giáo Tiến về quản trị và lãnh đạo không chỉ dành cho CEO, giám đốc hay các quản lý cấp cao. Sách được viết cho những ai đang hoặc sẽ bước trên con đường phát triển bản thân - từ sinh viên mới ra trường, những người trẻ khởi nghiệp, đến những cán bộ quản lý đang khao khát vươn lên. Bạn sẽ nhận thấy, dù bắt đầu ở đâu, điểm chung của tất cả những người thành công bền vững vẫn là: học - rèn luyện - hành động - không ngừng học lại.